FPT Telecom là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực internet và truyền hình internet tại nước ta. FPT Telecom đã không ngừng phát triển, ngày càng mở rộng vì fpt telecom có một đội ngũ nhân viên năng động, chuyên nghiệp, dàn lãnh đạo thông minh, sáng suốt. Vừa qua lãnh đạo của fpt telcom đã có buổi chia sẻ hướng nghiệp cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Trong khi TGĐ Nguyễn Văn Khoa cho rằng “Để khởi nghiệp thành công, hãy tôn vinh gia đình” thì ‘Phù thủy thiết kế’ Nguyễn Tri Phương Đông nhấn mạnh “Hãy chuẩn bị thường xuyên để không bỏ lỡ cơ hội”.
Anh Nguyễn Văn Khoa, TGĐ FPT Telecom kiêm GĐ FPT HCM, và ông Nguyễn Tri Phương Đông, Giám đốc sáng tạo Công ty Đại Việt Hoàng Cầu, tác giả cuốn cẩm nang du lịch Saigon Zoom In, đã chia sẻ những trải nghiệm quý báu về giá trị của gia đình và sự chuẩn bị cho việc khởi nghiệp cho 338 tân khoa tại Lễ tốt nghiệp ĐH FPT.
Mở đầu bài chia sẻ, anh Khoa nhấn mạnh: “Nhân vật chính trong buổi lễ không chỉ là các bạn tân khoa mà còn là các phụ huynh, những người đã tần tảo cả đời, đã vun vén cả cuộc sống, dành mọi thời gian để giúp các bạn yên tâm ngôi trên ghế nhà trường trong suốt những năm vừa qua”.
Theo TGĐ FPT Telecom, khác với các nước phương Tây nơi xã hội đề cao tính tự lập ở trẻ, văn hóa phương Đông lại coi tình cảm, sự kết nối gia đình, đặc biệt là sự bao dung, chở che con cái là sứ mệnh thiêng liêng của cha mẹ. “Sau nghi thức tung mũ tốt nghiệp, các bạn hãy dành một phút để ôm người cha, người mẹ để cám ơn họ đã giúp mình bước qua một ngưỡng cửa, một thế giới hoàn toàn mới”, khán phòng nhà hát Hòa Bình trở nên tĩnh lặng.
Gắn bó gần 20 năm với FPT, anh Khoa tâm đắc nhất bởi những giá trị tinh thần đã làm nên thành công của doanh nghiệp, quan trọng nhất là tình đồng đội, là giá trị gia đình. “Sau thành công, niềm vui hay nỗi buồn đều có hình ảnh một gia đình phản ánh. Ở FPT, gia đình giá trị thiêng liêng và trân trọng nhất. Đó chính là điểm tựa cho các bạn sải cánh, bước những bước chân vào đời”.
Chia sẻ với tân cử nhân ĐH FPT về ngày đầu tiên đi làm, anh Nguyễn Văn Khoa đúc kết, đó như “cái tát của cuộc đời”, bởi những kiến thức ở ghế giảng đường và thực tế công việc rất khác nhau.
Ngày này, giới trẻ ngày càng năng động, trào lưu khởi nghiệp đã lan rộng và gây ảnh hưởng lớn đến quyết định chọn nghề của các tân cử nhân. Đón bắt xu hướng này, CEO FPT Telecom cũng chia sẻ những kinh nghiệm xương máu mà anh đã từng phải trả giá đắt để có được, giúp các bạn sinh viên có thêm hành trang đi tìm hướng đi mới, giá trị mới.
Ai cũng có những ước mơ, hoài bão, kế hoạch về những điều to lớn, vĩ đại và xứng đáng sau khi bước ra khỏi cổng trường đại học. Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, công ty gia đình, hoặc một start-up của chính bạn. Nhưng khi thực sự bước chân vào công việc, các bạn trẻ nếu không chuẩn bị đầy đủ hành trang sẽ dễ gặp phải “cái tát của cuộc đời”. Nó không “màu hồng”, không như sách vở hay Internet mà là trải nghiệm khắc nghiệt của những “lần đầu tiên” đầy thử thách giúp các bạn thể hiện năng lực, tố chất của mình.
“Các bạn hãy bắt đầu công việc đơn giản nhất, càng đơn giản càng tốt, có thể ví như công việc bàn giấy, đừng đặt những giá trị quá lớn. Hãy biến những thứ phức tạp thành đơn giản”, anh Khoa chia sẻ bài học tâm đắc nhất.
Với tư cách là đại diện doanh nghiệp, anh Khoa nhắn gửi tiêu chí của một nhà tuyển dụng dành cho sinh viên ĐH FPT, những ứng viên tiềm năng cho những công việc toàn cầu. “Các bạn ra trường, ai cũng mong muốn công việc tốt, lương cao, có nhiều phúc lợi… nhưng hãy bỏ suy nghĩ đó ra khỏi đầu ngay từ hôm nay. Hãy chịu khó vất vả giống như bố mẹ các bạn đã tần tảo cả đời hy sinh cho các bạn. Hãy đến với công việc mới, đến với cuôc sống mới của mình bằng thái độ cầu thị và tôn trọng”.
Kết thúc bài phát biểu, anh Khoa chia sẻ một thông điệp ý nghĩa: “Tôi mong rằng các bạn hãy đứng trên đôi chân của mình, hãy làm cho cha mẹ yên tâm và tự hào về mình. Muốn thành công trong công việc, trước hết các bạn cần học cách tôn vinh gia đình”.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông, người từng được tạp chí Graphic Design USA trao tặng giải thưởng “American Graphic Design Award 2014” được coi như “phù thủy thiết kế” ở Việt Nam, chia sẻ ba bài học tâm đắc với quan điểm: “Có hai cách học là học để theo và học để tránh”.
Đầu tiên là bài học về thái độ đối với công việc. Nhà thiết kế kể, chủ nhà hàng tại Đức nơi ông Đông du học về thiết kế truyền thông đã dạy ông bài học thấm thía.
“Vào hôm khách vắng, tôi trực ở quầy nước, trước đó một tuần tôi bị đứt tay. Hôm đó tôi rửa ly và cố gắng tránh ngón tay đau và vô tình làm vỡ ly. Ông chủ đi ngang có nói, làm việc dễ dàng như rửa ly mà còn vỡ thì mai này tôi làm được gì.
Việc vỡ một cái ly trong đời không lớn nhưng ông chủ đầu tiên trong đời đã cảnh tỉnh tôi, khiến về sau, tinh thần tôi mang theo là làm cái gì phải ra cái đó, phải tử tế, từng việc nhỏ trong hằng ngày. Hãy cố gắng giỏi nhất theo cách của mình, nuôi chí lớn khởi nghiệp để tiến về phía trước”.
Kế đến, ông Phương Đông kể về bài học nhân sự. “Năm 1995 khi làm việc cho một công ty quảng cáo, phụ trách các nhãn hàng như Coca Cola, Fanta, Sprite… tôi cùng với sếp phỏng vấn nhân sự. Có một họa sĩ khi được hỏi về đề đạt mức lương, đã trả lời, “Công ty cũ là 4 triệu, ở đây cho bao nhiêu thì cho”. Cho bao nhiêu thì cho với một tập đoàn quảng cáo lớn nhất toàn cầu, đó không phải là tinh thần chúng ta chờ đợi mạnh mẽ. Sau này, tôi nhận ra một kinh nghiệm, chúng ta nói với nhau rằng “hãy sống như vậy hoặc sẽ bị như vậy”. Phải luôn luôn cố gắng tiến lên bằng mọi cách. Tất nhiên cô này bị từ chối nhận vào làm việc”.
Từ đó ông nhắn nhủ: “Hãy làm việc chuyên nghiệp và có thái độ chuyên nghiệp, hành xử chuyên nghiệp, nghĩ một cách quyết liệt và làm cho đến cùng. Sống là không chờ đợi nhưng sống chủ động là năng lượng tích cực để cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Ông tiếp tục kể một câu chuyện khác, vào đầu thập niên 2000, tôi có gặp một khách hàng, người này cầm trong tay thiết kế cao cấp khá chỉn chu và đã hoàn tất hợp đồng. Ông nói, đây là một thiết kế đúng, đẹp nhưng không hay vì sản phẩm không mùi vị, thiếu hồn cốt. Và bày tỏ kỳ vọng hơn nữa, ông ta nói với tôi rằng, “tôi trả tiền cao hơn ông có vẽ đẹp hơn được không?”.
Tôi một lần nữa được cảnh tỉnh, về sự tinh tế của sản phẩm, về sự tò mò, thách thức “liệu trả tiền cao hơn có ra một sản phẩm xứng đáng hơn. Benjamin Franklin có câu: “Thất bại trong chuẩn bị cũng có nghĩa là chuẩn bị thất bại”. Tôi cảm thấy, mình đã thất bại khi chưa đủ tinh tế và chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống. Hãy chuẩn bị thường xuyên để không bỏ lỡ cơ hội”, phù thủy thiết kế đúc kết.
Nguồn: https://internetvietnam.net