viet-nam-thieu-hut-nguon-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc ứng dụng những thành tựu về công nghệ vào công việc, học tập sẽ giúp ta nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống, nhưng việc làm thế nào để áp dụng công nghệ vào trong thực tế, đó vẫn là vấn đề khó khăn cho nhiều nước hiện nay. Thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin sẽ là cản trở lớn với Việt Nam khi tham gia vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang diễn ra như vũ bão trên thế giới.

Năm 2016 đã được tập đoàn FPT chọn là năm đổi mới, dù tập đoàn vẫn đang đạt được kết quả kinh doanh và tốc độ tăng trưởng rất tốt trong những năm qua. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch của FPT cho biết, sự đổi mới sẽ được thực hiện toàn diện trên các khía cạnh kinh doanh và cả đổi mới về công nghệ. Với những gì FPT đã làm được trong gần 30 năm qua, có lẽ thách thức về công nghệ và thị trường không phải là gì to lớn lắm. Nhưng điều mà ông Bình trăn trở nhất, đó cũng là căn bệnh mãn tính ở Việt Nam, đó là nguồn nhân lực để phát triển.

“Thách thức lớn nhất trong mọi thách thức là báo động đỏ về nguồn nhân lực. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam ra trường 9.000 kỹ sư CNTT, cả cứng và mềm, nếu một nửa là 4.500 gia nhập phần mềm thì năm nay FPT cần tuyển 5.000 người” – ông Bình nói. Không phải đến tận bây giờ, mà vấn đề thiếu hụt nhân lực cho ngành công nghệ thông tin đã có từ lâu, nhưng ông Bình cho rằng vấn đề đang trở lên nghiêm trọng hơn khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư – cuộc cách mạng mà ông cho là đã diễn ra được ba năm rồi.

Thực tế thì lời cảnh tỉnh về cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới đã được các chuyên gia kinh tế và các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ, cuối tháng 1 vừa qua. Ông Klaus Schwab, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã nhận định rằng tiến bộ khoa học công nghệ đang đóng vai trò dẫn dắt sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu, và sẽ có những tác động to lớn đến thị trường lao động.

Ngay ở Việt Nam, tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ tới nền kinh tế cũng đã có thể thấy rõ qua sự xuất hiện của loại hình chia sẻ kinh doanh taxi, Uber và Grab. Nhưng để Việt Nam trở thành một phần của cuộc cách mạng, có nghĩa là cùng tham gia vào chuỗi giá trị và sáng tạo ra những ứng dụng, sản phẩm tạo ra sự thay đổi cho nền kinh tế, điều kiên tiên quyết như ông Bình nói là phải có con người. Người đứng đầu tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cho rằng nếu hệ thống giáo dục không đào tạo đủ các kỹ sư công nghệ thông tin trong những năm tới, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ bị tụt hậu lại trong cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư.

Tháng 11 vừa qua, công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks đã công bố báo cáo về ngành CNTT ở Việt Nam. Theo đó, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành CNTT – phần mềm đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Nguyên nhân chính là do số lượng công ty tuyển dụng trong ngành CNTT đã tăng 69% so với năm 2012. Đặc biệt, số lượng Cty phần mềm đã tăng đến 124% chỉ trong vòng 4 năm.

VietnamWorks thậm chí còn đưa ra ước tính nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực IT mỗi năm, và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực IT, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực IT thị trường cần. Tuy nhiên, để đạt được tỉ lệ người tìm việc so với công việc ngành IT ở mức 17 ứng viên cho mỗi công việc (tỉ lệ năm 2013), thì cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành IT vào năm 2020. “Nếu cứ đi theo mức tăng trưởng hiện tại, đến lúc đó Việt Nam sẽ thiếu khoảng 1 triệu nhân lực IT” – VietnamWorks nhấn mạnh trong bản báo cáo.

Báo động đỏ về nguồn nhân lực đã buộc tập đoàn công nghệ lớn như Samsung tại Việt Nam phải có những chương trình hỗ trợ và liên kết với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho các trung tâm phần mềm tại Hà Nội và TP HCM. Còn Intel Products Việt Nam, công ty con của tập đoàn Intel tại Việt Nam, cũng đã tham gia tích cực vào việc đào tạo nhân lực khi cùng tham gia sáng lập chương trình liên kết đào tạo kỹ sư cao cấp tại Việt Nam, có tên gọi là HEEAP. Cho đến nay, chương trình này cũng đã thu hút sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia khác như Siemens hay Danaher.

Ngay cả FPT cũng phải năng động tìm ra giải pháp mới để cho những người theo học các ngành khác cũng có thể tham dự các khóa học về IT với tên gọi là Fanix. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đã ba trung tâm cung cấp nguồn nhân lực ngoài Việt Nam, gồm các trung tâm tại Myanmar, Philippines và Slovakia. Nhưng đó là những giải pháp trước mắt nhằm tận dụng nguồn lao động giá rẻ tại Myanmar và Phillippines, để phát triển bền vững và theo kịp cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư, vẫn rất cần giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực trong nước.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *