cap-bien-aag-duoc-han-gan-xong-14-3
Tuyến cáp quang biển AAG là đường truyền cáp quang mang lượng lớn đường truyền internet đi quốc tế của việt nam. Theo đơn vị vận hành tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway), đến ngày 18/3, công tác bảo trì mới hoàn thành.

Lịch trình sửa chữa, bảo trì tuyến cáp quang biển AAG vừa được thông báo đến các nhà khai thác trên tuyến. Dự kiến ngày 12/3, tàu sửa cáp sẽ tiếp cận vị trí bị sự cố trên phân đoạn cập bờ S1B – Singapore. Công tác hàn cáp sẽ hoàn tất vào khoảng 16h ngày 14/3.
Tuy tuyến cáp quang biển AAG đã được hàn nối và khôi phục, nhưng bộ phận kỹ thuật xử lý sự cố còn phải tiến hành các công đoạn như chôn cáp trở lại. Sau khi chôn cáp xong, công đoạn xử lý sự cố, bảo trì mới hoàn tất. Dự kiến lúc 18h ngày 18/3, công tác bảo trì sẽ hoàn thành. Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tuyến cáp quang biển AAG được chôn ở độ sâu khoảng 1,5 m dưới đáy biển.

Nhà vận hành cũng xác định AAG bị sự cố rò rỉ nguồn điện từ dịp Tết Bính Thân khiến lưu lượng Internet đi qua tuyến này bị ảnh hưởng.

Anh Vũ Anh Tú, PTGĐ Viễn thông FPT, cho biết, việc bảo trì gần như không ảnh hưởng đến khách hàng của FPT Telecom. Trong thời gian qua, FPT Telecom đã bổ sung rất nhiều lưu lượng tuyến quốc tế nên sẵn sàng ứng phó nếu có sự cố.

FPT Telecom đã chủ động tiến hành nhiều biện pháp phòng bị để hạn chế tối đa mức ảnh hưởng đến người dùng”, anh Tú chia sẻ. “Cụ thể, chúng tôi đã chủ động bổ sung dung lượng kết nối quốc tế cả hướng đất liền và biển để nâng cấp hệ thống mạng truyền dẫn, dự phòng dung lượng Internet để khi xảy ra các sự cố, FPT Telecom vẫn đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ cho khách hàng”.

Trong 8 tháng qua, mạng AAG không bị sự cố. Đây là đợt bảo trì định kỳ của đơn vị vận hành tuyến cáp.

Năm 2015, tuyến cáp quang biển AAG 4 lần gặp sự cố. Trong đó có hai lần cáp AAG bị đứt vào các ngày 5/1 và 23/4. Với mỗi lần tuyến cáp này bị đứt, việc hàn nối kéo dài 2-3 tuần; và trong thời gian đó, việc liên lạc và trao đổi thông tin đi nước ngoài của các khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị chậm.

Theo quy trình của nhà vận hành AAG, khi cáp bị sự cố (đứt cáp, mất nguồn điện…), đơn vị quản lý ở đất liền xác định vị trí cáp bị lỗi bằng cách đo điện. Một tín hiệu quang phổ Spread được phát đi, sau đó họ quan sát tín hiệu phản hồi của nó. Bằng các thuật toán và đo thời gian, họ có thể tính toán khoảng cách và xác định được vị trí gặp sự cố.

Sau khi đã xác định được vị trí bị đứt, Trung tâm Điều hành cáp quang AAG sẽ hoàn thành kế hoạch sửa chữa chi tiết. Việt Nam nằm ở khu vực SEAIOCMA – một trong 3 khu vùng châu Á – Thái Bình Dương theo phân chia của nhà điều hành cáp quang AAG. Khu vực này có 3 đội tàu xử lý nằm ở các điểm Phillipines, Singapore và Ấn Độ. Và thường đội tàu hay xử lý cho Việt Nam là ở Singapore.

Việc cấp giấy phép (apply permission) điều tàu mất khoảng 1-2 tuần, di chuyển đến vị trí đứt mất 2-5 ngày, và xử lý nối cáp trong khoảng 7-10 ngày.

Khi đến được vị trí đường dây cáp gặp sự cố, các thợ lặn sẽ có nhiệm vụ xác định chính xác đoạn cáp bị đứt. Sau đó, một cánh tay cần cẩu sẽ được thả xuống đáy biển để đưa dây cáp lên boong tàu và tiến hành nối lại.

Ở những vùng biển sâu, tàu chuyên dụng sẽ dùng máy để tời kéo bó cáp quang từ đáy biển lên mặt nước, sau đó cố định đầu cáp bị đứt bằng phao nổi. Tiếp theo, tàu nối cáp tiếp tục tìm đầu bị đứt còn lại của tuyến cáp để tiến hành nối từng sợi cáp quang trong phòng kỹ thuật đặc biệt trên tàu.

Sau khi nối hoàn tất các sợi cáp quang, bó cáp bảo vệ sẽ được bọc lại như cũ và được rải trở lại đáy biển. Tuy nhiên, quá trình rải cũng đòi hỏi phải có máy móc chuyên dụng để thổi cát dưới đáy biển, tạo thành rãnh đặt cáp quang vào và phủ lấp cát lại lên trên để giảm thiểu khả năng bị va chạm.

Gần đây, các nhà mạng Việt Nam đã đầu tư thêm các tuyến cáp quang mới như tuyến cáp quang biển châu Á – Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway, chiều dài hơn 11.000 km và băng thông khoảng 4 Tbps, nối từ Việt Nam đi các nước châu Á và Mỹ) và tuyến cáp quang biển AAE1 (Asia Africa Euro 1, chiều dài 25.000 km) nối từ Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *