xa-hoi-phat-trien-khong-theo-kip-cong-nghe-so
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, vấn đề áp dụng công nghệ vào cuộc sống luôn là vấn đề mà nhiều công ty, tổ chức trên thế giới quan tâm. Một khi áp dụng những công nghệ số vào công việc, học tập sẽ giúp cho việc tăng năng suất lao động, đưa đất nước ngày càng đi lên.

Công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, nhưng lợi ích của nó – tăng trưởng, việc làm và dịch vụ – vẫn chưa bắt kịp tốc độ đó, theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới.

Báo cáo Phát triển Thế giới 2016: Lợi ích công nghệ số của Ngân hàng Thế giới cho biết, Internet, điện thoại di động và các công nghệ số khác đang phát triển với tốc độ cao tại các nước đang phát triển nhưng lợi ích được kỳ vọng để hỗ trợ tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao dịch vụ công đã không đạt được như mong đợi.

Theo báo cáo, tuy đã có nhiều câu chuyện thành công nhưng nhìn chung trên quy mô toàn thế giới, tác động của công nghệ trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo thêm cơ hội cho nhóm nghèo và nhóm trung lưu và hỗ trợ phát triển một nền quản trị có trách nhiệm vẫn chưa được như mong đợi.

Nhóm được hưởng lợi từ công nghệ số chủ yếu vẫn là nhóm người giàu, có kỹ năng và ảnh hưởng trên thế giới vì họ có khả năng khai thác lợi thế của công nghệ tốt hơn. Hơn 60% dân số thế giới (hơn 4 tỉ người) vẫn đang đứng ngoài lề nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão này, báo cáo cho hay.

“Công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, nhưng lợi ích của nó – tăng trưởng, việc làm và dịch vụ – vẫn chưa bắt kịp tốc độ đó”, báo cáo cho hay.

“Hiện nay đã có 40% dân số thế giới kết nối với internet. Đây là một kết quả đáng mừng, nhưng đồng thời nó cũng nhắc ta phải làm sao tránh tạo ra một giai cấp mới bị đẩy xuống dưới đáy xã hội”, ông Kaushik Basu, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới nói.

Từ đây, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đề xuất hai hành động chính nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết về phát triển trong thời đại công nghệ số: Xóa bỏ khoảng cách công nghệ số và tăng cường quy định nhằm đảm bảo thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Đây là những biện pháp mà Ngân hàng Thế giới cho là biện pháp bổ trợ tương tự cho các khoản đầu tư công nghệ mới.

Các biện pháp cụ thể gồm đầu tư vào hạ tầng cơ bản, giảm chi phí kinh doanh, giảm rào cản thương mại, khuyến khích các công ty khởi nghiệp gia nhập thị trường, tăng cường năng lực cơ quan quản lý cạnh tranh và khuyến khích cạnh tranh giữa các nền tảng số nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo.

“Muốn đạt được lợi ích tối đa, các nước phải tạo được môi trường công nghệ thích hợp. Đổi lại, công nghệ số sẽ giúp tăng tốc quá trình phát triển”, báo cáo viết.

“Công nghệ số đã làm thay đổi thế giới của kinh doanh, việc làm và chính phủ,” ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới nói. “Nhưng nếu muốn chia sẻ lợi ích do công nghệ số mang lại cho mọi đối tượng trong xã hội thì các quốc gia cũng phải cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư vào giáo dục và y tế, và thúc đẩy một nền quản trị tốt.”

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *