(IVN) Mức đóng góp khoảng 1% của Internet trong GDP của Việt Nam hiện đang tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc, cao hơn tại Nga nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức 4,1% ở Malaysia, 3,2% ở Ấn Độ và 2,6% ở Trung Quốc.
Đây là những thông tin được đưa ra trong Tọa đàm với chủ đề “Tác động của Internet tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Theo khảo sát của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey cho biết, mức đóng góp gần 1% của Internet trong GDP của Việt Nam hiện đang tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc, cao hơn tại Nga nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức 4,1% ở Malaysia, 3,2% ở Ấn Độ và 2,6% ở Trung Quốc. Tuy nhiên, McKinsey lại lạc quan dự báo mức đóng góp của Internet vào GDP tại Việt Nam sẽ sớm tiệm cận mức trung bình của khu vực (2%) và còn có thể đạt tới 2,5% trong tương lai không xa.
Đại diện công ty này cũng đã công bố rất nhiều con số đáng chú ý về Việt Nam như: các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã tăng 19,3% hiệu quả kinh doanh nhờ vào Internet (là một trong những quốc gia có mức độ tăng cao nhất trong số 30 quốc gia đang lên tham gia cuộc khảo sát này); mức độ thặng dư tiêu dùng của Việt Nam đạt mức trung bình trong số các quốc gia đang lên (khoảng 14 USD/tháng, tương đương 25 tỷ USD/năm ở 9 quốc gia đang lên); Tuy tính hoàn thiện của hệ sinh thái Internet ở Việt Nam thấp hơn giá trị trung bình của khu vực (Việt Nam đạt 24 điểm trong khi trung bình khu vực đạt 37), nhưng tính hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái lại cao hơn mức trung bình khu vực (Việt Nam – 33, trung bình khu vực – 31).
Cũng theo McKinsey công bố, hơn 1/3 người sử dụng Internet tại Việt Nam truy cập các trang bán hàng hoặc đấu giá trực tuyến; hơn 1/2 người dùng Internet tại Việt Nam tin rằng mua hàng trực tuyến giúp cho họ tiếp cận với một danh mục sản phẩm đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, McKinsey & Company cũng thẳng thắn nhận định, dù thương mại điện tử ở Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nhưng thị trường này vẫn chưa được đầu tư khai thác đúng mức.
Ghi nhận những con số khảo sát của McKinsey, nhưng ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng chia sẻ nhận định: Mạng Internet đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế; góp phần quan trọng nâng cao dân trí, tạo nền tảng dân chủ lành mạnh cho sự phát triển kinh tế những năm tiếp theo.
Chia sẻ về vấn đề quản lý nhà nước đối với lĩnh vực Internet, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định các cơ quan quản lý như Bộ TT&TT đang dùng nhiều biện pháp về kinh tế, hành chính, hình sự… để ngăn cản những tác động xấu của Internet.