Ngày nay việc sử dụng internet vào học tập và công việc, giải trí đối với nhiều người không còn gì là mới mẻ. Nhưng không phải nơi nào cũng có thể sử dụng mạng internet. Theo số liệu công bố trên trang internetworldstats.com, số lượng người dùng dịch vụ Internet trên toàn cầu tính đến hết ngày 30/6/2015 chính thức đạt 3,27 tỷ người.
Con số này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng khi các hệ thống cho phép truy cập ngày càng được mở rộng, số lượng thiết bị hỗ trợ ngày càng gia tăng với mức giá ngày càng giảm, chi phí sử dụng dịch vụ ngày càng trở lên hợp lý hơn, các mô hình gói cước ngày càng đa dạng, điều kiện sống cũng như trình độ học vấn của người dân ngày càng tăng lên, ứng dụng của internet đang được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Nếu so với 7,26 tỷ người dân thì mức thâm nhập Internet trung bình toàn cầu đạt tỉ lệ tròn 45%.
Châu Á, với lợi thế dân số đông, tiếp tục dẫn đầu thế giới về số lượng người dùng Internet với 1,56 tỷ, chiếm thị phần 47,8%. Tuy nhiên mức thâm nhập của khu vực này chỉ đạt 38,8%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. Trong khi đó, Bắc Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương lại dẫn đầu thế giới về mức thâm nhập khi mà có đến từ 70 đến trên 80% dân số đều đặn sử dụng dịch vụ Internet. Ngược lại, do điều kiện kinh tế, hạ tầng cũng như nhận thức còn nhiều hạn chế nên mức thâm nhập Internet của khu vực châu Phi chỉ đạt tỉ lệ 27%.
Những số liệu thống kê ở trên cũng phần nào chỉ ra những mặt hạn chế của quá trình phát triển Internet, chẳng hạn như hiện vẫn có tới 4 tỷ người chưa hề biết gì về phương tiện truyền thông này hoặc chưa biết sử dụng các tiện ích khác của Internet.
Điều đáng nói là phần lớn trong số họ đang sống tại các thị trường đang phát triển. Như vậy, ngoài những cơ hội mở rộng thị trường còn bỏ ngỏ thì điều này tiếp tục đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nhà mạng và các chính phủ khi muốn cải thiện tình trạng này.